05/05/2016
Theo lịch sử lưu truyền, làng Thượng Mạo được hình thành từ năm 36 sau công nguyên, từ một làng nghèo nàn, lạc hậu, chỉ độc canh cây lúa, đời sống vô cùng khó khăn và nghèo đói. Để vượt lên cái nghèo, cái khổ, các cụ tiền nhân đã đi tìm thầy về để dạy nghề mộc cho nhân dân trong làng. Nhờ sự dạy bảo tận tình của cụ Tổ nghề, cùng với sự nỗ lực học tập để lấy nghề, nhân dân trong làng cùng nhau vượt khó, tay nghề của các vị tiền nhân cũng được nâng cao thành thạo về mực thước, tinh thông về chạm khắc. Từng tốp thợ đã đi tìm việc khắp nơi, tham gia xây dựng nhiều đình, chùa, miếu, nhà thờ theo kiến trúc cổ xưa. Một số công trình vẫn được bảo tồn cho đến ngày nay như Đình Làng Đơ, Đình Khương Thượng, Đình Bình Đà, Đình La Tinh, Đình Đông Lao, Đình Văn Phú, Đình Khê Tang, Đình làng Thượng Mạo và nhiều công trình khác.
Trải dài theo dòng lịch sử, đời trước truyền nghề cho đời sau, cha truyền con nối, cứ thế tiếp nối nghề mộc cho đến tận ngày nay. Để ghi nhớ công ơn người thầy đã truyền nghề, thể hiện sự tôn kính và truyền thống tôn sư trọng đạo, nhân dân trong làng đã lập ban thờ cụ Tổ dạy nghề mộc vào một gian tại Đình làng thờ chính vị Tam Vị Đức Thánh Tổ. Cứ hàng năm vào ngày 11/10 âm lịch, các cụ cùng cán bộ, nhân dân và các tổ thợ lại tổ chức, dâng hương long trọng để tưởng nhớ người thầy truyền nghề, đồng thời cùng nhau trao đổi một năm lao động, sản xuất, kinh doanh, chia sẻ kinh nghiệm trong nghề giữa các thế hệ. Ngoài ra, mọi người còn mổ lợn, cùng nhau liên hoan tại đình, tục lệ có từ đời xưa mà quanh vùng không nơi nào có.
Làng Thượng Mạo gồm hai tổ dân phố 13 và 14, có diện tích 605.000m2, với tổng số 580 hộ và hơn 2000 nhân khẩu. Trong đó, có trên 300 hộ sản xuất, kinh doanh đồ mộc và hơn 1000 lao động nghề. Ngoài ra, còn có rất nhiều lao động bên ngoài đến học nghề và làm nghề. Những năm gần đây, đô thị hóa phát triển, nắm bắt được khoa học kỹ thuật, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã mạnh dạn vay vốn ngân hàng để đầu tư công nghệ khoa học kỹ thuật vào nghề, đem lại hiệu quả cao, giảm sức lao động, tăng năng suất rõ rệt. Nhờ có nghề mộc, hầu hết mọi người đều có việc làm ổn định, kinh tế ngày càng phát triển, xuất hiện nhiều xưởng sản xuất quy mô lớn. Hiện nay, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, làng nghề mở rộng sản xuất với đầy đủ các mặt hàng. Các sản phẩm của làng nghề Thượng Mạo luôn đảm bảo được uy tín, chất lượng, kỹ thuật sản phẩm, luôn được thị trường đánh giá cao và xứng danh Thợ Xốm.
Đặc biệt, ngày 30/12/2009, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành quyết định số 6846/QĐ-UBND về việc công nhận danh hiệu làng nghề truyền thống Hà Nội năm 2009 cho 16 làng nghề, trong đó quận Hà Đông có 01 làng nghề - làng nghề mộc truyền thống Thượng Mạo.
0 nhận xét