05/05/2016
Giải bóng đá thanh niên huyện Văn Yên - Yên Bái, lần thứ IV - 2015. Cúp người đá bóng, cờ lưu niệm cho các đội tham dự giải
Huyện đoàn Văn Yên tổ chức bế mạc và trao giải cho các đội bóng đạt thành tích tại giải bóng đá Thanh niên huyện Văn Yên lần thứ IV năm 2015.
Ban tổ chức chụp ảnh lưu niệm cùng đội bóng vô địch
Sau thời gian 15 ngày tranh tài, 15 đội bóng đến từ các khối Đoàn xã, thị trấn, khối cơ quan đã thi đấu với một tinh thần trung thực, cao thượng và cống hiến cho khán giả những trận đấu hấp dẫn, kịch tính, qua 29 trận đấu với tổng số 91 bàn thắng được ghi.
Kết thúc giải, ban tổ chức đã trao 3 giải thưởng cá nhân gồm cầu thủ xuất sắc nhất, cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất, thủ môn xuất sắc nhất... Tặng cờ và tiền thưởng cho đội bóng thanh niên xã Mỏ Vàng đạt giải khuyến khích; Tặng huy chương, cờ và tiền cho đội bóng thanh niên xã Lâm Giang đạt giải ba; đội bóng Khu phố I thị trấn Mậu A đạt giải nhì; Tặng Cúp, huy chương, cờ và tiền thưởng trị giá 5 triệu đồng cho đội bóng thanh niên xã Yên Thái.
Với mục tiêu đẩy mạnh phong trào thi đấu thể thao, nâng cao sức khỏe, đồng thời tạo sân chơi lành mạnh cho đoàn viên thanh niên huyện Văn Yên. Giải bóng đá thanh niên huyện Văn Yên lần thứ IV đã thành công tốt đẹp và tạo được ấn tượng đẹp trong lòng khán giả hâm mộ bóng đá
Tố Nga
Giới thiệu đôi nét về huyện Văn Yên
Vị trí địa lý
Văn Yên là một huyện vùng núi phía Bắc của tỉnh Yên Bái, được thành lập từ tháng 3 năm 1965. Có tọa độ địa lý 104º23' đến 104º23' độ kinh đông và từ 21º50'30 đến 22º12' vĩ độ bắc
+ Phía Đông giáp huyện Lục Yên, Yên Bình.
+ Phía Tây giáp huyện Văn Chấn
+ Phía Nam giáp huyện Trấn Yên.
+ Phía Bắc giáp huyện Văn Bàn, huyện Bảo Yên – tỉnh Lao Cai
Diện tích, dân số, giao thông
Tổng diện tích đất tự nhiên 1.391,54 km2. Huyện Văn Yên cách trung tâm tỉnh lỵ Yên Bái 40 km về phía Bắc.
Dân số:
Dân số trung bình dến năm 2007 là 115.614 người. Trong đó nam 57.686 người, chiếm 49,9%; nữ 57.928 người, chiếm 50,1%. Dân số ở khu vực thành thị 10.166 người, chiếm 8,79%; dân số ở khu vực nông thôn là 105.448 người, chiếm 91,21%. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên là 1,14%, mật độ dân số trung bình 83 người/km2. Toàn huyện có 12 dân tộc trong đó có các dân tộc chủ yếu sau:
+ Dân tộc Kinh: 65.117 người (56,33%) + Dân tộc Tày: 17.573 người (15,2%) + Dân tộc Dao: 26.487 người (22,91%) + Dân tộc H' mông: 4.480 người (3,87%) + Các dân tộc khác: 1.957 người (1,69%)
Dân số trong huyện được phân bố ở 26 xã và 1 thị trấn. Theo Quyết định số 69/2008/QĐ-TTg ngày 28/5/2008 về việc phê duyệt bổ sung danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư chương trình 135 giai đoạn II và danh sách các xã ra khỏi diện đầu tư của chương trình 135 giai đoạn II của Thủ tướng Chính phủ, huyện Văn Yên được bổ sung thêm 2 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển là (xã Đại Sơn, xã Viễn Sơn, xã Phong Dụ Hạ), nâng số xã vùng 135 lên 8 xã.
Mật độ dân số phân bố không đều, có nơi tập trung rất đông dân cư như Thị trấn Mậu A bình quân khoảng 1.253 người/km2, ngược lại một số xã vùng cao diện tích rộng nhưng mật độ dân cư ít như xã Phong Dụ Thượng bình quân khoảng 23 người/km2, xã Xuân Tầm 35 người/km2, xã Nà Hẩu 28 người/km2.
Thị trấn Mậu A là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của huyện. Với lợi thế về vị trí nằm trên tuyến đường sắt Yên Bái – Lào Cai nối Côn Minh (Trung Quốc), tuyến tỉnh lộ 151 Yên Bái – Khe Sang, đường thuỷ sông Hồng và đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, thị trấn Mậu A có động lực để phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh trên địa bàn huyện.
Các đơn vị hành chính
Gồm 1 thị trấn Mậu A và 26 xã: An Bình, An Thịnh, Châu Quế Hạ, Châu Quế Thượng, Đại Phác, Đại Sơn, Đông An, Đông Cuông, Hoàng Thắng, Lâm Giang, Lang Thíp, Mậu Đông, Mỏ Vàng, Nà Hẩu, Ngòi A, Phong Dụ Hạ, Phong Dụ Thượng, Quang Minh, Tân Hợp, Viễn Sơn, Xuân Ái, Xuân Tầm, Yên Hợp, Yên Hưng, Yên Phú, Yên Thái.
Kinh tế, xã hội
Các khu và cụm công nghiệp trọng điểm của huyện:
a - Khu công nghiệp phía bắc Văn Yên của tỉnh Yên Bái (thuộc xã Đông Cuông) nằm trên trục đường Yên Bái - Khe Sang. Có đường điện 35 KV đi qua trung tâm khu công nghiệp. Nguồn nước tự nhiên được lấy từ sông Hồng (khu công nghiệp nằm giáp bờ sông Hồng)
b - Cụm công nghiệp phía tây cầu Mậu A (cụm công nghiệp của huyện) nằm trên trục đường Quy Mông - Đông An. Có đường điện 35 KV đi qua trung tâm, nguồn nước tự nhiên được lấy từ sông Hồng.
c - Cụm công nghiệp thôn Toàn An, xã Đông An (cụm công nghiệp của huyện) nằm trên trục đường Yên Bái - Khe Sang. Có đường điện 35 KV đi qua. Nguồn nước tự nhiên được lấy từ sông Hồng. Đặc biệt Văn Yên có cây Quế, là loài cây cho giá trị kinh tế cao. Những người dân Văn Yên nơi đây lấy cây Quế làm loại cây trồng chủ yếu. So với chất lượng Quế trên cả nước thì Quế Văn Yên đứng thứ 2 sau Quế Quảng Bình. Ngoài ra con người Văn Yên rất mến khách. Những ai đã từng đặt chân đến đất Văn Yên sẽ dễ dàng cảm nhận được điều đó. Văn Yên còn có Đền Đông Cuông là nơi mà mỗi độ xuân về người ở khắp mọi nơi đi hành hương cầu cho gia đình bạn bè an khang thịnh vượng và còn nhiều điểm du lịch khác nữa.
Đặc sản
Quế Văn Yên được cho là giống quế tốt nhất Việt Nam, có hàm lượng tinh dầu cao thứ 2 ở Việt Nam (sau quế Trà My), đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Diện tích trồng quế ở Văn Yên lên tới 16 nghìn hecta.
0 nhận xét